Bài: Ngô Ly Kha, ảnh: Hoàng Lê
Thật khó để gọi tên một phong cách nội thất cho căn hộ tầng áp mái này bởi đó là sự pha trộn nhịp nhàng giữa truyền thống và hiện đại, giữa đơn giản và tính tế. Và trên tất cả, nhóm thiết kế đã tạo nên được một không gian sống thanh lịch, ấm cúng và mang những dấu ấn riêng như cá tính gia chủ.
Câu chuyện thiết kế ở công trình này chính là bài toán tìm kiếm cá tính cho không gian ở. Vượt trên những yếu tố thường gặp ở các căn hộ như phân chia khu vực chức năng, lấy sáng đón gió hay bày biện nội thất, chủ nhà cần khẳng định dấu ấn cá nhân qua phong cách nội thất của công trình – điều mà hiện trạng của penthouse chưa thể hiện được.
Công trình tọa lạc tại tầng 48 Tòa tháp Keanang Landmark (Nam Từ Liêm, Hà
Nội) được bàn giao từ năm 2009 với nội thất sẵn có vẫn trong tình trạng nguyên
vẹn. Thay đổi phong cách đồng nghĩa với việc làm mới toàn bộ nội thất công trình.
Điều khó nhất là ngay cả những mong muốn và sở thích của nhà cũng rất khó định dạng, gọi tên hay gói gọn trong một “style” cụ thể. Từ những phát thảo sơ bộ của gia chủ, kiến trúc sư đã chọn giải pháp pha trộn của nhiều trường phái thiết kế khác nhau nhưng trên tinh thần chung hướng đến tính đương đại.
Việc kết hợp nhiều phong cách nội thất trong một công trình đòi hỏi sự tính toán chu đáo về các tỉ lệ, hình khối, đường nét lẫn lựa chọn vật liệu. Tất cả bàn ghế kệ tủ đến đèn, thảm của căn hộ đều có những chi tiết biến tấu trong thiết kế và được sản xuất riêng lẻ nhằm đảo bảo tính hài hòa và độc đáo cho tổng thể công trình.
Nội thất được sắp xếp theo trật tự đối xứng với ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa xen lẫn với giải pháp chiếu sáng tập trung vào ban đêm. Thoạt nhìn, có những mẫu bàn, mẫu ghế tưởng chừng “lạc nhịp” với số đông, nhưng khi đặt cạnh nhau chúng lại cùng nâng đỡ và tô điểm cho nhau.
Một điểm thú vị khác trong nội thất công trình là việc tôn trọng vẻ đẹp nguyên bản tự nhiên của bề mặt các vật liệu sử dụng, tạo nên sự sang trọng nhưng vẫn gần gũi và ấm cúng. Đá cẩm thạch được dùng ở sàn nhà khu vực sinh hoạt chung, hành lang và ốp lát các phòng vệ sinh. Sàn các phòng ngủ dùng gỗ sồi tự nhiên, còn bàn ghế được làm từ gỗ tần bì, óc chó, bọc da tự nhiên hoặc vải nhập khẩu cao cấp.
Một vài chi tiết hoàn thiện được làm bằng đồng là ý tưởng của kiến trúc sư, giúp làm tăng nét cá tính và duyên dáng cho công trình.
Penthouse có diện tích sử dụng gần 400m2 là không gian sống của một gia đình ba thế hệ, trong đó người cao tuổi nhất đã bước sang thất tuần còn người trẻ nhất chỉ mới lên sáu. Sở thích và nhu cầu của mỗi thành viên khá đa dạng! Trong khi đó khả năng linh hoạt trong việc phân chia các không gian lại tương đối kém do những hạn chế về hệ thống kỹ thuật và kết cấu chung của tòa nhà. Các phòng ngủ nằm quây quần quanh không gian sinh hoạt chung và mở ra những ban công phủ cây xanh. Nhờ chăm chút chu đáo các nhu cầu của tất cả các thành viên trong nhà kể cả người giúp việc, nên mỗi người đều có những “khoảng riêng” yêu thích như
góc để đồ chơi cho bé, vệ sinh trong phòng cho người già, nơi hút thuốc của gia chủ hay dây chuyền nấu ăn cho hai người ở khu vực bếp.
Lẽ thường, mỗi ngôi nhà sẽ có một hoặc một vài góc tâm đắc được gia chủ và kiến trúc sư dành nhiều tình cảm và sự chăm chút hơn những không gian khác. Nhưng ở công trình này, mọi món đồ, mọi góc nhà đều được quan tâm và ưu ái như nhau. Điểm nhấn của căn hộ nằm ở sự hài hòa của tất cả các yếu tố pha trộn! Không gian sống dường như không theo một phong cách nào nhưng vẫn tiềm ẩn một phong cách riêng mang tên “cá tính gia chủ”.
Thông tin công trình:
– Căn hộ Penthouse, Keangnam Landmark Tower, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
– Thiết kế nội thất và thi công: KTS Phạm Quang Đức, Ngô Trọng Anh.
– Văn phòng thiết kế PhamQuangDuc Interior
– Địa chỉ: 24/50 Hoàng Văn Thái, Hà Nội
– Website: http://www.pqdinterior.com
– Email: phamle.thietke@gmail.com