Bảo bối của Nội

Những ngày mùng 4 mùng 5 Tết, khi đã chán chê thăm hỏi, tiệc tùng với bạn bè, tôi lại đạp xe về ngôi nhà thơ ấu, nằm nghe cải lương với Nội. Giữa tuồng, Nội sẽ thủng thẳng vào buồng trong lấy ra một ‘bảo bối’ nhỏ dúi vào tay tôi: một miếng cốm đỗ đen hay mứt thập cẩm Nội làm. Thức quà nhà quê bình dị ấy, giờ đã trở thành Tết, thành Nội, thành ký ức chẳng thể nào phai nhạt trong tôi…

Ông nội mất sớm khi tôi vẫn còn ở tuổi cởi trần tắm mưa, còn ông bà ngoại cũng đã di cư sang nước ngoài vài năm sau đó. Tuổi thơ của tôi, quanh quẩn bên cơi trầu của Nội (bà nội). Nội luôn đi chân đất, vội vàng, tóc búi cao, với chiếc áo bà ba có khi gài nút treo nút trễ. Chuyện ruộng vườn, chợ quán, gà heo, cứ đẩy Nội đi, vết nẻ cũ ở gót chân chưa kịp lành đã nứt thêm vết mới. Gia tài của ông nội (thầy giáo làng) để lại chỉ là chút ít chữ nghĩa, một tay bà nuôi nấng, dựng vợ gả chồng cho cả tám đứa con bằng mấy sào đất ruộng lẫn đất thổ.

‘Nội và con đi chơi, thênh thang một cõi, quên những nhọc nhằn…’, ảnh chụp Tết năm 2017, là tấm ảnh tôi quý nhất cho đến giờ.

Niềm vui của Nội là những phút cuối ngày, cơm nước đã xong, Nội ngồi bệt dưới hàng hiên, thong thả têm trầu. Một bên gối co lên chạm cằm, quần xắn cao, để lộ một bắp chân gầy gò nhăn nhẻo. ‘Đồ nghề’, Nội có cái mẹt tre tí xíu đựng trầu, một bình vôi sành bàng bạc chẳng còn rõ màu sắc, và cái ống xoáy bằng đồng thau nằm gọn trong lòng bàn tay mà tôi thích mê ly. Một lần tôi lấy trộm, chơi đồ hàng rồi bỏ quên trong vườn chuối, báo hại Nội đỏ mắt đi tìm suốt cả một ngày. Mà nghe Nội mắng, thì còn cười nhe răng: ‘Tổ cha cái mụ nậu mầy!’.

Xa xỉ hơn, Nội mê xem hát! Hô bài chòi, hát bội hay cải lương, hễ làng trên xóm dưới xã bên cạnh có đám hát là Nội đều lội bộ đi xem. Tôi cũng thích tò tò đi theo (để ăn quà vặt) dẫu lần nào cũng ngủ gục trong lòng, bắt Nội quạt mỏi tay đuổi muỗi. Sau này, sức yếu Nội nhờ mấy cô chú đưa đón hay ngủ lại nhà người quen mỗi khi có đám hát đường xa. Mùa mưa năm đó, nước dâng lên nửa lòng sông mà cây cầu bắt qua xóm Đảo đu đưa như hàm răng thưa chiếc còn chiếc mất. Nội đang bệnh, đoàn hát về tận dưới Bình Lâm cách nhà bảy tám cây số. Vậy mà Nội cũng trốn mấy cô chú lội bộ đi xem. Khuya về, trượt chân, Nội lọt tõm xuống sông. Phải cố hết sức bình sinh để bơi vào bờ khi đã trôi xa một đoạn vài trăm mét. Gai góc vào trầy xước tay chân. Hôm sau Nội kể lại cả nhà mới hay, vừa giận vừa thương vô kể…

**

Một lần, bố mẹ giận nhau. Mẹ tôi dẫn út Na về nhà ngoại. Anh em tôi chạy theo chiếc xe đạp của mẹ ra qua đến tận đầu cầu bên kia rồi thất thểu đi về. Một ngày hai ngày rồi một tuần, mẹ vẫn chưa về. Căn nhà cuối xóm đìu hiu, bếp lạnh gió lùa. Buổi chiều chúng tôi lên ăn cơm nhà Nội. Nội ngồi chòm hỏm trên bọ ngựa xới cơm ở đầu bàn. Nhiều bữa hai anh em chỉ ngồi nhìn nhau, nước mắt lăn dài, không gắp được… Nội lại mắng: ‘Tổ cha nó, kình cãi nhau chi mờ làm khổ cháu tao!’. Rồi, Nội gọi bố lên rầy một trận. Mấy hôm sau thì mẹ cũng về, năm đó tôi 4 hay 5 tuổi.

**

Một đời Nội thắt lưng buộc bụng, cơm canh đạm bạc. Nhưng với đám con cháu lâu nhâu bọn tôi, cái giỏ cói đi chợ của Nội là cả một thế giới hấp dẫn, đầy bất ngờ. Tôi chuyển nhà không lâu sau đó. Mỗi lần tôi đạp xe về chơi, thể nào Nội cũng nhín chút tiền chợ, mua cho mấy cái bánh rán, bánh gói, khoai bắp luộc hay bịch chè đậu ván. Ba mươi năm trước, mấy món này đều là mĩ vị với đám con nít nhà quê. Sau này, dù đã lên cấp ba hay vô đại học, Nội vẫn chiều chuộng y như thế! Vẫn rối rít đi dọn cơm, vẫn dấm dúi quà bánh mỗi lần tôi về thăm như lúc lên 8, lên 10.

Nội đang cắm cúi gói nem chua, người và cảnh mới đó mà đã thành ký ức…

Sau này, dẫu bánh trái công nghiệp đã tràn về tới mọi vùng quê, mỗi dịp Tết, Nội vẫn giữ thói quen làm một hai món ‘tủ’ của mình. Cốm đậu đen, mứt thập cẩm, mứt mè… toàn những món cây nhà lá vườn, giờ đã thất truyền. Cái ngon đến từ hương vị của ký ức, của tình thương và cả sự bất ngờ. Chẳng đứa nào biết năm nay Nội có ‘bảo bối’ gì. Và chỉ đến khi bọn tôi đã chán chê với bánh trái xanh đỏ trên bàn khách của mọi nhà, Nội mới dúi vào tay miếng mứt ‘signature’ của Nội.

**

Lần cuối tôi về thăm, Nội chẳng thể đi chợ, làm mứt. Tiếng nói, rồi trí nhớ cứ dần rời xa Nội… Chỉ có một bàn tay (chưa bị tê) đã quen lao động vẫn cứ mấp máy liên hồi. Những ngày tháng cuối đời, Nội vẫn không muốn đầu hàng số phận!

Nội đi vào một đêm trăng rằm ở tuổi ngoài 80, khi tôi đang xa nhà hàng vạn dặm. Chiếc nón lá sen tôi mua cho Nội từ Huế, chơ vơ nằm lại một góc nhà…

Ngô Ly Kha

[Boston, tháng 1, 2024.]

P.S: Mấy tháng trước, thấy báo Sài Gòn Giải Phóng có tổ chức cuộc thi viết hay hay, đang lúc mình nhớ nhà nhớ Tết, đã viết một mạch mấy dòng về Nội. (Sau nhiều lần ngồi viết tay lẫn gõ phím mà không thành câu). Viết xong, báo đăng rồi thì mình cũng quên luôn. Chiều nay vô cùng bất ngờ khi nhận được email của báo mời về nhân giải, không biết giải lớn bé gì mà cũng vui ghê.

Nếu mà Nội còn, hai bà cháu đã dẫn nhau đi coi hát bội…

Leave a comment

I’m Kha.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog cá nhân của tôi. Nơi này, tôi chia sẻ những bài viết về kiến trúc nội thất, du lịch, lối sống (phần lớn đã được đăng trên các báo, tạp chí) và những tản mạn dọc đường lang thang của mình. Đọc vui nhé!