Mái nhà bên dãy Tuyết Sơn

Bài và ảnh: Ngô Ly Kha

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình khi lần đầu được nhìn thấy những ngọn núi tuyết từ khung cửa kính của chuyến tàu hỏa Thanh – Tạng. Đó là một niềm xúc động lớn lao xem lẫn giữa vui sướng, tự hào và khiêm cung khi đứng trước vẻ đẹp kỳ vĩ, thanh cao của những ngọn núi trắng xóa – cửa ngõ bước vào vùng đất Tạng linh thiêng, sau bao nhiêu ngày mong ước.

Trên chuyến tàu Thanh Tạng

Đoàn của chúng tôi có 10 người, đa phần đều chưa từng quen biết nhau cho đến khi quyết định lập nhóm đi Tây Tạng vào vài tháng trước. Sức quyến rũ của một đích đến chung nhanh chóng kết nối các anh chị em trong đoàn có độ tuổi từ 7X đến 9X. Chỉ sau hai ngày lang thang từ Sài Gòn đến Thành Đô – Tứ Xuyên, mọi người đã trở thành thân quen.

Cuối ngày thứ 2 của hành trình dài 11 ngày, chúng tôi rời Thành Đô và bắt đầu tiến về vùng đất của các vị Lạt Ma trên chuyến tàu hỏa nối liền Thanh Hải và Tây Tạng. Tôi chọn hành trình này dù mất khá nhiều thời gian di chuyển vì muốn trải nghiệm một trong những tuyết đường sắt đẹp nhất thế giới. Tuyến đường nằm ở độ cao trung bình 3.000m so với mực nước biển và có đến 550km đường ray băng qua vùng băng tuyết vĩnh cửu. Bên cạnh đó, di chuyển bằng tàu hỏa sẽ giúp chúng tôi thích nghi với sự thay đổi độ cao và không khí loãng thay vì đột ngột hạ cánh xuống Lhasa theo đường hàng không.

Trên chuyến tàu Thanh – Tạng

Thủ tục lên tàu hỏa ở nhà ga Thành Đô rắc rối hơn chúng tôi tưởng. Phải mất hơn 2 giờ cả nhóm mới làm xong thủ tục chuyển vé (đã đặt online), kiểm tra an ninh, khai báo sức khỏe và tìm được phòng đợi tàu. Quãng đường từ Thành Đô đến Lhasa dài gần 2.500 km với 36 giờ di chuyển, trong đó nhóm chúng tôi đã dành gần 20 giờ để ăn vặt và chuyện trò về đủ các chủ đề. Trưa hôm sau, chúng tôi đổi tàu ở ga Delingha. Con tàu mới được thiết kế như khoang máy bay, có chế độ cung cấp oxy tự động để bảo vệ hành khách khi đi qua những vùng có độ cao lớn (điểm cao nhất cao 5.072 m). 

Từ đây, hành trình cũng thú vị hơn hẳn với những thảo nguyên mênh mông và những hồ nước xanh ngắt trải dài bên ngoài khung cửa kính. Chuồng trại của dân du mục như vẫn còn hơi ấm từ các lò sưởi đốt bằng phân khô trong khi đám bò yak, cừu, dê thung thăng trên những đồi cỏ cháy. Chúng tôi mở toang cửa kính và dán mắt vào “màn hình” đang trôi chầm chậm những thước phim về một miền cao nguyên cô liêu, hoang dã. Thỉnh thoảng màn hình chợt tối đen khi tàu băng qua những đường hầm rồi lại vụt sáng lên bởi những đỉnh núi tuyết trắng xóa. 

Gần cuối giờ chiều, cả đoàn tàu bỗng xôn xao khi trước mắt chúng tôi là những dãy núi tuyết trùng điệp nối tiếp, trải dài như vô tận. Ai nấy đều bỏ chỗ ngồi để tiến ra hành lang, nơi có tầm nhìn rộng nhất. Tôi hét lên trong camera ghi hình vì quá xúc động và vui sướng. Tuyết Sơn đây rồi, Tây Tạng cũng sắp đến rồi! Đêm đó tuyết rơi dày trên cao nguyên và đọng lại thành một lớp mờ trên cửa kính. Nhưng đến gần nửa đêm, đã thấy trời trong vắt và một bầu trời sao sáng rực, diệu kỳ. Tôi không biết mình có bỏ quên vùng băng tuyết vĩnh cửu hay không nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Tôi đã lưu đầy bộ nhớ của mình những hình ảnh đẹp vĩnh cửu rồi!

Con đường tuyết trắng trên đường đi hồ Namsto

Trùng trùng núi Tuyết

Cảm giác đầu tiên khi tàu chầm chậm về ga Lhasa thật khó diễn tả. Trước mắt tôi là một bức tranh nhiều tầng, bên dưới là đường phố khang trang, tiếp đến là những hình khối bê tông của các cao ốc chung cư và ở tầng cao hơn là mênh mang mây tuyết. Và trời xanh trong vắt, vô cùng. Mây, núi tuyết và trời xanh như một phông nền quá thanh sạch giữa một thành phố xô bồ. 

Bạn có thấy lá cờ đỏ Trung Quốc treo trước nhà người Tạng?

Điều kỳ diệu nhất khi ở vùng đất được mệnh danh nóc nhà của thế giới là người ta có thể phóng tầm mắt về mọi hướng và điểm cuối cùng bao giờ cũng là một đỉnh núi trắng xóa. Không có sự giới hạn nào về tầm nhìn, về đức tin của mỗi người! Bạn có thể ngắm những ngọn núi tuyết từ bất cứ nơi nào, từ khu phố đi bộ ở trung Tâm Sala, quán cà phê trên tầng 4, hành lang cung điện Potala, bao lơn của các tu viện, hai bên đường đi hay phía sau những mặt hồ.

Cung điện Potala
Bên thềm một tu viện

Tây Tạng đủ sức quyến rũ cho những du khách muốn tìm hiểu về du lịch tâm linh hay khám phá thiên nhiên kỳ vĩ và văn hóa đặc sắc của nơi này. Hành trình gần 10 ngày của chúng tôi dưới sự hướng dẫn của một anh chàng người Tạng, từ thủ phủ Lhasa đi Gyantse, Shigatse rồi về lại Lhasa, là sự kết hợp của cả hai. Trên thực tế, thật khó tách rời giữa hai loại hình du lịch này bởi hầu hết đời sống văn hóa, lịch sử của người Tạng đều gắn liền với đạo Phật.  Và không riêng gì những công trình kiến trúc dành cho Phật giáo như cung điện Potala, đền Jokhang, các tu viện Sera, Gandan, Tashilunpo…. những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất của vùng đất này cũng đã mang hơi thở Phật giáo qua cách gọi tên những dãy núi thiêng, những thánh hồ.

Hồ thiêng Yamdrok

Mỗi nơi trên hành trình đi qua đều để lại cho tôi những cảm xúc đẹp, theo nhiều cung bậc. Đó có thể là khung cảnh thiên đường của mặt hồ Yamdrok xanh lơ giữa một vùng trời xanh mây trắng; là buổi sáng bình yên gần như tuyệt đối trên hồ băng Namtso hay tiếng chuông gió vọng về từ đỉnh tu viện Tashilunpo nhắc tôi về giây phút thực tại an lạc. Chúng tôi không có dịp hành hương về Kailash – dãy núi linh thiêng nhất của người Tạng, nhưng một khi đã đặt chân đến vùng đất này, hít thở không khí trong veo còn đượm mùi băng tuyết, bạn sẽ thấy rằng từng hơi thở, từng ngọn cỏ cành cây đều nhuốm nỗi linh thiêng.

Người bán hàng trong tại khu phố đi bộ Lhasa
Những vị khách hành hương bên trong một tu viện – nơi họ ngồi trước kia dùng để làm nghi thức thiên táng người mất

Trên mái nhà người Tạng

Tổ chức dân số thế giới ước tính dân số Tây Tạng đến năm 2014 là hơn 3 triệu người, (chưa kể hàng triệu người khác đang sống lưu vong trên thế giới), trong đó có khoảng 78% người dân theo Phật giáo Tây Tạng. Và cứ khoảng 5 người Tạng lại có một người xuất gia làm tu sĩ. Trên đường từ Gyantse đi Namtso, chúng tôi dừng ăn trưa trong một ngôi nhà truyền thống của người Tạng. Ngôi làng nhỏ nằm bên một dòng sông, tựa lưng vào triền núi chỉ có chừng 300 người dân sống bằng nghề trồng lúa mạch và chăn nuôi gia súc.

Thăm một ngôi làng người Tạng ở Gyantse

Các ngôi nhà trong làng đều được xây bằng đá, rộng rãi và trông khá khang trang. Bên trong khoảng sân rộng là khu vực mái che và khu chuồng trại dành cho việc chăm sóc bê con. Tầng dưới của ngôi nhà dùng làm kho chứa nông cụ và thành quả thu hoạch, bếp và không gian ở đều nằm ở tầng hai. Người Tạng làm nhà mái bằng với những vách tường dày giúp giữ ấm và dễ dàng phơi chất đốt từ phân bò Yak. Trên mái nhà, những lá cờ Lungta năm màu – biểu tượng của phước lành, may mắn và lời nguyện cầu được treo trên những nhành trúc nhỏ, xếp thành bó hay chạy thành những dải dây dài đủ màu sắc. (Theo quan niệm của người Tạng, năm màu sắc trên các lá cờ tượng trưng cho 5 yếu tố trong vũ trụ nước, khí và gió, không gian và trời, lửa, đất.)

Những tràng hạt và bánh xe luân hồi luôn chuyển động trên tay người Tạng

Hôm ở Lhasa, Hương Giang – bạn đồng hành của tôi, chụp được hai bức ảnh khá hay trong lúc xếp hàng đợi vào đền Jokhang. Bức ảnh thứ nhất là một đoàn người Tạng thản nhiên đi hành hương trên phố bát giác, xen lẫn là những tấm lưng mang áo S.W.A.T. của quân đội Trung Quốc. Trên những mái nhà, núi tuyết vẫn trắng xoá uy nghi dù vương một vệt cờ đỏ thẫm như máu. Tấm ảnh đã nói hết tình trạng của Tây Tạng lúc này. Bức thứ hai là hình lá cờ 5 ngôi sao đã bị gió cuộc lại trên một mái nhà, và cao hơn vẫn là dãy tuyết sơn hùng vĩ. Giang và tôi rất thích tấm ảnh thứ hai.

Một ngôi làng ven đường
Tôi sẽ trở lại, và mong được nhìn lá cờ của người Tạng tung bay trên mái nhà

Trang đầu tiên trong cuốn Lonely Planet – Tibet, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết rằng: “Hãy đến Tây Tạng, hãy thăm thú càng nhiều nơi càng tốt, rồi kể cho cả thế giới nghe”. Khi kể cho bạn nghe về câu chuyện này, tôi nghĩ mình đã hoàn thành một phần nào lời nguyện với dãy Tuyết Sơn.

P/S: Bài đã đăng trên Tạp chí Travellive năm 2018

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s