Bài: Ngô Ly Kha, ảnh: Lê Hoàng
“Mỗi dự án đều mang đến cho chúng tôi những cảm xúc và kinh nghiệm xử lý riêng. Tất cả đều có giá trị đối với các kiến trúc sư trẻ của văn phòng, những người đang trên con đường tìm kiếm những điều thú vị to lớn từ những dự án nhỏ và từ những khách hàng xứng đáng được tận hưởng không gian đó” – theo kiến trúc sư Đào Hưng, văn phòng kiến trúc AHL.
Theo dõi quá trình hình thành của công trình này qua những chia sẻ trên mạng xã hội, người viết thật sự cảm kích trước sự chỉn chu và tâm huyết của nhóm thiết kế từ việc lựa chọn các giải pháp, vật liệu cho công trình đến việc đảm bảo cho tất cả các chi tiết thi công đều sạch đẹp. Công trình rất nhỏ với diện tích sàn chỉ 3x10m nhưng lại là một thế giới thênh thang của những khoảng mở, của nắng gió, cây xanh và những tiện nghi phục vụ cho một gia đình.
Nhà ống siêu nhỏ vốn là một “đặc sản” của các đô thị phát triển kiểu tự phát, thiếu quy hoạch, trong đó nhiều nhất nằm ở TP.HCM và Hà Nội. Những ngôi nhà san sát xếp cạnh nhau, chìm sâu trong những ngõ hẻm chật hẹp. Hầu hết chúng đều có chung một lối thiết kế kinh điển với “cầu thang ở giữa, hai phòng hai bên” – mô hình được nhân rộng từ nhà này sang nhà khác gần nửa thế kỷ bởi sự truyền miệng hoặc kinh nghiệm của những người thợ xây. Hệ quả thu được là những căn phòng ẩm thấp, bí bách, thiếu ánh sáng nhưng lại “gần gũi và quen thuộc” với phần lớn cư dân đô thị.
Không dễ để thay đổi một mô hình đã in vào tiềm thức nếu không có sự hợp tác của những vị chủ nhà cấp tiến. Hiện trạng công trình cũng là một ngôi nhà như vậy cho đến khi nó được thổi lên một sức sống mới: hiện đại, sạch sẽ và tình cảm. Kiến trúc sư đã mạnh tay mở rộng không gian sử dụng theo chiều đứng với những khoảng nhường nhịn hợp lý dành cho việc các khoảng thông tầng, lối đi và cây xanh.
Khoảng thông tầng phía trước vừa là không gian đệm giữa bên trong và bên ngoài nhà vừa là một khu vườn nhỏ – nơi giải nhiệt và lấy sáng cho ngôi nhà. Cầu thang bằng thép gấp đục lỗ kết hợp với sàn kính cường lực tạo nên khoảng thông tầng phía sau đồng thời cũng là lối giao thông chính. Thép đục lỗ và kính cường lực là giải pháp được lựa chọn để vừa đảm bảo chức năng sử dụng, vừa giúp điều tiết và khuếch tán ánh sáng tự nhiên từ mái xuống tận khu vực bếp ở tầng trệt. Lan can thang chạy dài như dòng chảy của ánh sáng, với những khoảng chiếu nghỉ thoáng đạt, nối gần khoảng cách của các tầng lầu. Không khí trong nhà luôn được lưu thông với những cánh cửa lá sách truyền thống thân thuộc.
Công trình mang đầy đủ những không gian chức năng dành cho hai vợ chồng và hai con nhỏ bao gồm cả những góc vui chơi cho trẻ và khoảng vườn nhỏ nơi ông bố và các con cùng trồng cây. Kiến trúc sư cũng “tình cảm hóa” những vật liệu mang tính công nghiệp bằng cách in thêm họa tiết lá cho bê tông trần hay tạo nên các đường gấp bắt mắt cho cầu thang thép. Với sự tô điểm của các ánh sáng và bóng đổ ở khắp các tầng lầu, những vật liệu thô mộc (gạch, thép, gỗ, bê tông) cũng trở nên mềm mại và đầy chất thơ.
Thông tin công trình:
Địa chỉ nhà: Định Công, Hà nội
Thiết kế kiến trúc và nội thất: KTS Đào Hưng, KTS Lê Hoàng
Công ty Kiến trúc AHL và Cộng sự
Studio : 93 Trần Quốc Toản, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
Mobile : +84.949.93.93.93
Website : http://www.ahl.vn
Email : info@ahl.vn
P/S: Bài đã đăng trên Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp, tháng 10.2016